Nhiệm vụ và quyền hạn Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố có quyền hạn và nhiệm vụ sau:

  1. Lãnh đạo công tác của Uỷ ban nhân dân, các thành viên của Uỷ ban nhân dân, các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân thành phố:
    • Đôn đốc, kiểm tra công tác của các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân thành phố và Uỷ ban nhân dân cấp huyện, xã tương đương trong việc thực hiện Hiến pháp, luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của Hội đồng nhân dân và quyết định, chỉ thị của Uỷ ban nhân dân thành phố;
    • Quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban nhân dân thành phố;
    • Áp dụng các biện pháp nhằm cải tiến lề lối làm việc; quản lý và điều hành bộ máy hành chính hoạt động có hiệu quả; ngăn ngừa và đấu tranh chống các biểu hiện quan liêu, vô trách nhiệm, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác của cán bộ, công chức và trong bộ máy chính quyền địa phương;
    • Tổ chức việc tiếp dân, xét và giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của nhân dân theo quy định của pháp luật.
  2. Triệu tập và chủ tọa các phiên họp của Uỷ ban nhân dân;
  3. Phê chuẩn kết quả bầu các thành viên của Uỷ ban nhân dân cấp huyện, xã tương đương trực tiếp; điều động, đình chỉ công tác, miễn nhiệm, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, xã tương đương; phê chuẩn việc miễn nhiệm, bãi nhiệm các thành viên của Uỷ ban nhân dân cấp huyện, xã tương đương trực tiếp; bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, cách chức, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức nhà nước theo sự phân cấp quản lý;
  4. Đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ những văn bản trái pháp luật của cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân thành phố và văn bản trái pháp luật của Uỷ ban nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, xã tương đương trực tiếp;
  5. Đình chỉ việc thi hành nghị quyết trái pháp luật của Hội đồng nhân dân cấp huyện, xã tương đương trực tiếp và đề nghị Hội đồng nhân dân thành phố bãi bỏ;
  6. Chỉ đạo và áp dụng các biện pháp để giải quyết các công việc đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai, cháy, nổ, dịch bệnh, an ninh, trật tự và báo cáo Uỷ ban nhân dân trong phiên họp gần nhất;
  7. Ra quyết định, chỉ thị để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
  8. Đề nghị triệu tập kỳ họp bất thường Hội đồng nhân dân Thành phố.
  9. Đề nghị cuộc họp kín của Hội đồng nhân dân thành phố.
  10. Giữ mối quan hệ làm việc với Thường trực Thành uỷ, Viện Kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân.
  11. Trực tiếp phụ trách, chỉ đạo các lĩnh vực công tác: Tổ chức bộ máy, cán bộ và biên chế; nội chính; đối ngoại; xây dựng chính quyền và cải cách hành chính; công tác quy hoạch và quyết định các chủ trương lớn trên các lĩnh vực; làm Chủ tịch Hội đồng thi đua - khen thưởng thành phố.
  12. Làm Trưởng các tổ chức phối hợp liên ngành (Ban chỉ đạo, Hội đồng...) của thành phố theo lĩnh vực công tác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố trực tiếp phụ trách, chỉ đạo.

Phó Chủ tịch

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố đề cử và do Hội đồng nhân dân thành phố bầu, Thủ tướng chính phủ phê duyệt.

Số lượng Phó Chủ tịch do Chính phủ quy định.

Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do Chủ tịch phân công và phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Uỷ ban nhân dân về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã được giao.

Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố chịu trách nhiệm cá nhân về phần công tác của mình trước Hội đồng nhân dân thành phố, Uỷ ban nhân dân thành phố và cùng với các thành viên khác chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Uỷ ban nhân dân trước Hội đồng nhân dân thành phố và trước cơ quan nhà nước cấp trên.

Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban nhân dân thành phố có quyền phụ trách UBND thành phố trong trường hợp Chủ tịch UBND đột ngột qua đời hoặc bị bãi nhiệm hay bị đình chỉ công tác cho đến khi bầu Chủ tịch UBND mới.

Thủ tướng Chính phủ có quyền bãi nhiệm, hoặc luân chuyển công tác các Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố theo đề nghị của Chủ tịch.